Cách tẩy ố đèn pha ô tô cực đơn giản và hiệu quả cho xế yêu
Đèn pha được coi như đôi mắt của mọi chiếc xe ô tô
1. Nguyên nhân khiến đèn pha ô tô bị ố màu
Tình trạng đèn pha ô tô bị ố màu có thể bị bắt gặp ở những chiếc xe cũ, đã trải qua một thời gian sử dụng, chịu nhiều tác động từ bên ngoài nhưng lại không được bảo dưỡng đúng cách. Phần lớn, đen pha của xe ô tô có chụp đèn bên ngoài được làm từ nhựa polycarbonate. Đây là loại nhựa dễ chịu tác động bởi nhiệt, bức xạ UV, bụi bẩn và các chất ô nhiễm gây hại khác,... Nếu chủ xe không chú ý bảo dưỡng kịp thời, lâu ngày đèn pha bị đục mờ, đổi màu ố vàng, trầy xước, khả năng chiếu sáng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này dẫn đến hạn chế tầm quan sát của người cầm lái, đặc biệt khi trời tối và điều kiện thời tiết không thuận lợi thì đèn pha ố màu càng khiến xe rơi vào tình huống nguy hiểm.
Trong nhiều trường hợp đèn pha xe ô tô bị ố vàng nặng còn gây ảnh hưởng tới khả năng đăng kiểm của xe. Phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm theo quy định với nguyên nhân là xe không đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan đăng kiểm đề ra.
Nếu chủ xe không chú ý bảo dưỡng kịp thời, lâu ngày đèn pha bị đục mờ, đổi màu ố vàng, trầy xước, khả năng chiếu sáng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều
2. Một số cách tẩy ố đèn pha ô tô hiệu quả
Nếu bạn vẫn chưa biết “Đèn pha ô tô bị ố vàng cần làm gì” thì dưới đây, IMATS xin chia sẻ một số cách tẩy ố đèn pha ô tô hiệu quả và không tốn kém:
2.1. Cách tẩy ố đèn pha xe ô tô bằng kem đánh răng
Kem đánh răng là một nguyên liệu thông dụng, rẻ, sẵn có tại mỗi nhà, có thể làm sạch vết ố vô cùng đơn giản và có hiệu quả rõ rệt. Kem đánh răng có đặc tính mài mòn nhẹ, nên nó có thể nhanh chóng loại bỏ các vết bẩn đồng thời đánh bóng phần nhựa của đèn xe mà không làm hư hại lớp nhựa chụp đèn bên ngoài.
Trước tiên, bạn cần phun nước lên bề mặt đèn pha và dùng khăn sạch lau qua để loại bỏ những vết bẩn dễ xử lý. Tiếp đó, bóp kem đánh răng lên một chiếc khăn mềm rồi lau lên chụp đèn pha theo chiều từ trong ra ngoài. Bạn nên lặp lại bước này nhiều lần để có được hiệu quả sáng bóng rõ rệt hơn. Cho đến khi toàn bộ bề mặt chụp đèn được bao phủ bởi một lớp kem đánh răng trắng đục, bạn chỉ cần rửa lại với nước và lau khô.
Một điều lưu ý là bạn không nên sử dụng các loại kem đánh răng có lẫn hạt làm mát, tinh thể hoặc có đặc tính thô ráp bởi chúng rất dễ tạo ra vết xước trên đèn xe.
Kem đánh răng có đặc tính mài mòn nhẹ, nên nó có thể nhanh chóng loại bỏ các vết bẩn đồng thời đánh bóng phần nhựa của đèn xe mà không làm hư hại lớp nhựa chụp đèn bên ngoài
2.2. Cách tẩy ố đèn pha xe ô tô sử dụng quả bơ
Bạn cũng có thể sử dụng quả bơ với mục đích tẩy ố đèn pha vì loại quả này cũng có tác dụng tương tự như kem đánh răng. Có nhiều người đã áp dụng phương pháp thành công phương pháp tẩy ố đèn pha bằng quả bơ và lấy lại vẻ sáng bóng cho đèn.
Quy trình thực hiện cũng tương tự như cách đánh bóng đèn pha ô tô bằng kem đánh răng. Lưu ý nếu sử dụng trái bơ tẩy ố đèn xe, bạn nên chú ý cắt đôi và loại bỏ phần hạt đi, sau đó mới dùng phần còn lại chà trực tiếp lên bề mặt chụp đèn xe.
Sử dụng quả bơ cũng là một cách tẩy ố đèn pha ô tô
2.3. Sử dụng giấy nhám để tẩy ố đèn pha
Cách sử dụng giấy nhám để tẩy vết ố cho đèn pha ô tô là cách tốn thời gian hơn nhưng lại mang đến tác dụng lâu dài. Vật dụng mà bạn cần chuẩn bị là giấy nhám, nước sạch, cồn và khăn lau khô.
Trước tiên, dùng nước sạch để làm ướt đèn pha và giấy nhám, sau đó bắt đầu đánh bóng đèn pha theo từng phần, di chuyển tay đánh thành các vòng tròn nhỏ cho đến khi chà xong toàn bộ khu vực pha đèn. Trong suốt quá trình chà nhám, bạn nên phun một lượng nước sạch vừa đủ lên bề mặt đèn pha. Cuối cùng, hãy lau khô bề mặt đèn pha bằng khăn sạch trước khi làm sạch lại bằng cồn.
Lưu ý, để tránh không để lớp nhựa đèn pha không bị mài mòn quá sâu, bạn nên chọn loại giấy nhám có độ nhám thấp.
Cách sử dụng giấy nhám là cách tẩy ố đèn pha xe ô tô tốn thời gian hơn nhưng lại mang đến tác dụng lâu dài
2.4. Vệ sinh, tẩy ố đèn pha ô tô bằng sáp, dung dịch chuyên dụng
Hiện nay, trên thị trường phổ biến nhiều loại sáp hay dung dịch chuyên dụng cho mục đích đánh bóng đèn pha ô tô. Chính vì được sản xuất riêng cho mục đích đánh bóng, phục hồi độ sáng cho lớp nhựa đèn pha ô tô nên các sản phẩm này có độ mịn cao, tính ăn mòn thấp. Mặc dù so với các phương pháp nêu trên, đây là phương pháp mà bạn cần bỏ ra chi phí lớn hơn một chút nhưng hiệu quả đánh bóng đèn pha thì cực kỳ rõ rệt. Bên cạnh đó, kinh phí để mua sáp hoặc dung dịch chuyên dụng cũng vừa phải, không quá đắt đỏ.
Các bước để đánh bóng đèn pha ô tô với sáp, dung dịch chuyên dụng diễn ra như sau:
Đầu tiên, cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt pha đèn trước khi đánh bóng. Sau đó sử dụng băng keo bọc xung quanh viền ngoài đèn xe nhằm bảo vệ lớp sơn của xe tránh khỏi những tác động tẩy rửa của sáp hoặc dung dịch làm sạch. Tiếp theo đó, thoa sáp hoặc bôi dung dịch đánh bóng chuyên dụng lên toàn bộ bề mặt lớp nhựa chụp pha đèn. Sử dụng khăn sạch, mịn chà theo các vòng tròn trên bề mặt pha đèn cho đến khi pha đèn trở nên sáng bóng. Lau/rửa lại pha đèn với nước sạch.
Cần sử dụng băng keo bọc xung quanh viền ngoài đèn xe nhằm bảo vệ lớp sơn của xe tránh khỏi những tác động tẩy rửa
Cuối cùng, sau khi sử dụng những biện pháp trên để phục hồi đèn pha cho xe ô tô của bạn thì điều quan trọng nhất là bảo vệ đèn pha. Nếu không có biện pháp bảo vệ thì tất cả công sức tẩy ố, vệ sinh của bạn sẽ tan thành mây khói trong thời gian ngắn. Lớp phủ có tác dụng để bảo vệ nhựa đèn pha mà nhà sản xuất đã trang bị cho xe của bạn đã bị hỏng nên đèn pha xe rất dễ bị tác động bởi các yếu tố gây hại và nhanh chóng bị ố, mờ trở lại.
Bạn có thể sử dụng chất trám sơn truyền thống, lớp phủ UV dạng xịt hoặc lớp phủ trong suốt để duy trì vẻ sáng bóng cho đèn pha một thời gian sau đó.
Như vậy, IMATS đã tổng hợp tới bạn đọc các cách tẩy ố đèn pha ô tô cực đơn giản, hiệu quả. Không thể phủ nhận, vai trò của đèn pha xe ô tô là rất quan trọng nên việc vệ sinh, bảo dưỡng đèn pha đúng cách không chỉ giúp vẻ ngoài chiếc xe của bạn chỉn chu, lịch sự mà còn bảo đảm an toàn cho bạn và những người xung quanh.