Chỉ Số Độ Nhớt Là Gì? Cách Tính Chỉ Số Độ Nhớt Ô Tô Đơn Giản Nhất
Chỉ số độ nhớt đóng vai trò rất quan trọng đối với động cơ của xe. Vì vậy bạn cần nắm được chỉ số độ nhớt là gì? Để tăng cường hiệu suất của xe và giảm tối đa độ mài mòn cho động cơ.
Động cơ chính là bộ phận quan trọng nhất của xe ô tô. Nếu bạn muốn xe mình luôn luôn vận hành một cách mượt mà thì bạn phải có một hệ thống động cơ hoạt động tốt. Đặc biệt, bạn phải quan tâm đến tình trạng dầu nhớt của xe. Tuy nhiên, tình trạng dầu nhớt trong xe thường không được người ta để ý đến nhiều. Mọi người thường ít chú trọng đến việc trang bị một hệ thống kiến thức đúng về ô tô và việc bảo trì ô tô. Không phải tất cả mọi người ai cũng biết chỉ số độ nhớt là gì, chỉ số nhớt 10w40 là gì, chỉ số độ nhớt và chỉ số dầu nhớt có gì khác nhau. Do đó, hãy cùng IMATS tìm hiểu một số thông tin cần thiết về chỉ số độ nhớt trong bài viết này nhé!
1. Thế nào là chỉ số độ nhớt?
1.1. Độ nhớt
Độ nhớt có thể được hiểu một cách đơn giản là độ kháng cự trong dòng chảy của một chất lỏng nào đó. Khi một chất lỏng chảy, các phân tử tạo thành chất lỏng sẽ tương tác và ma sát với nhau tạo nên một lực cản. Do đó, mỗi loại dung dịch khác nhau sẽ có độ nhớt khác nhau. Độ nhớt càng cao thì dung dịch đó càng đặc và độ nhớt càng thấp thì dung dịch càng lỏng hơn. Độ nhớt có thể bị thay đổi theo nhiệt độ.
1.2. Chỉ số độ nhớt là gì?
Vậy, chỉ số độ nhớt là gì? Chỉ số độ nhớt chính là thước đo của độ nhớt dựa trên sự thay đổi của nhiệt độ. Chỉ số độ nhớt càng thấp thì dầu càng loãng và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ hơn. Chỉ số độ nhớt càng cao thì dầu càng đặc và ít bị ảnh hưởng hơn bởi nhiệt độ. Như vậy, chỉ số độ nhớt thể hiện sự ổn định khi nhiệt độ biến đổi của độ nhớt.
Chỉ số độ nhớt thường được đo từ 40 đến 100⁰C. Bạn có thể tìm thấy chỉ số độ nhớt trên bao bì của sản phẩm, nằm trong bảng dữ liệu. Tuy nhiên, để có thể giúp bạn tính được chính xác chỉ số độ nhớt, chúng tôi đã ghi chi tiết cách tính chỉ số độ nhớt ô tô đơn giản nhất ở phần dưới.
2. Phân biệt chỉ số độ nhớt và chỉ số dầu nhớt
Chỉ số dầu nhớt là chỉ số nhằm để phân biệt chất lượng dầu nhớt dành cho động cơ. Các chỉ số dầu nhớt thường gặp là chỉ số SAE và chỉ số API.
2.1. Chỉ số SAE
SAE chính là cụm từ viết tắt của Hiệp hội của các kỹ sư ngành ô tô tại Mỹ và cũng chính là chỉ số được phát triển bởi hiệp hội này. Chỉ số SAE thường được tìm thấy trên bao bì sản phẩm dưới dạng các ký hiệu như SAE 5W-30, 10W-40, 15W-40, … hoặc SAE 50, SAE 60.
2.1.1. Dầu đơn cấp:
Các loại dầu đơn cấp chính là các loại dầu thường được ký hiệu trên bao bì là SAE 40, SAE 50, ... Đây là loại dầu ít gặp hơn, chỉ được sử dụng cho một số loại máy có động cơ 2 kỳ vì độ nhớt của chúng chỉ được giới hạn ở một mức độ nhiệt nhất định.
2.1.2. Dầu đa cấp
Các ký hiệu như SAE 5W-30, 10W-40, 15W-40, … sẽ thường được bắt gặp trên bao bì của một số loại dầu đa cấp. Đây là loại dầu quen thuộc hơn, được sử dụng phổ biến cho tất cả các loại xe hiện nay vì độ nhớt của chúng đáp ứng được mức độ nhiệt rộng hơn.
Trong đó W có nghĩa là mùa đông (winter). Như vậy con số trước chữ W có nghĩa là độ loãng của dầu khi xe được khởi động trong thời tiết lạnh có nhiệt độ thấp. Chỉ số này càng nhỏ thì xe càng được khởi động một cách dễ dàng hơn. Con số này càng quan trọng đối với những người thường xuyên lái xe ở những vùng lạnh có tuyết rơi.
Còn chữ số sau chữ W biểu thị độ đặc của dầu khi máy đang ở trong tình trạng hoạt động. Số này càng lớn thì dầu nhớt càng có độ đậm đặc. Dầu có độ đặc lớn sẽ phù hợp với những người thường xuyên chạy xe đường dài, vì xe chạy càng lâu thì dầu càng loãng hơn. Do đó, tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người mà bạn cần phải lựa chọn loại dầu có chỉ số phù hợp.
Như vậy, giờ đây chúng ta đã hiểu hơn phần nào chỉ số nhớt 10w40 là gì. Chỉ số nhớt 10w40 cũng là một chỉ số dầu phổ biến, thường được bắt gặp trên các loại dầu đa cấp bày bán tại Việt Nam. Con số 10 đứng trước chữ W không quá nhỏ vì nhiệt độ của nước ta cũng không lạnh lắm, và con số 40 cũng chỉ độ đậm đặc vừa phải phù hợp cho mọi phương tiện hiện nay.
2.2. Chỉ số API
API chính là viết tắt của Hiệp hội dầu khí của Mỹ và chỉ số này cũng được phát triển bởi hiệp hội này. Chỉ số API thường được ký hiệu bắt đầu với chữ S hoặc chữ C và theo sau là các chữ cái khác, ví dụ SF, SG, SL,... hoặc CI, CS, CF, … Chữ S trong ký hiệu này là dầu dành cho động cơ xăng và ký hiệu bắt đầu bằng chữ C là dầu dành cho động cơ diesel.
Chỉ số API còn được hiểu là cấp chất lượng của dầu, do đó chữ cái đứng sau nếu là các chữ cái xuất hiện sau trong bảng chữ cái thì chất lượng của nó càng cao hơn. Ví dụ như loại dầu được ký hiệu là API SN thì đây là loại dầu có cấp chất lượng rất cao, cao hơn so với loại dầu được ký hiệu là SF.
3. Cách tính chỉ số độ nhớt của ô tô đơn giản nhất
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, chỉ số độ nhớt thường được đo từ 40 đến 100⁰C. Do đó, để tính được chỉ số độ nhớt của ô tô, ta cần biết được độ nhớt của dầu ở 40⁰C và độ nhớt của dầu ở 100⁰C. Nếu như bảng dữ liệu không cung cấp thông số về độ nhớt của sản phẩm, bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất để nắm rõ hơn thông tin cần thiết.
Độ nhớt của dầu có đơn vị là mm²/s. Chỉ số độ nhớt có công thức tính khá phức tạp. Do đó, để biết được chính xác độ nhớt của sản phẩm bạn có thể nhập hai độ nhớt trên lên một số trang web, nơi họ đã lập trình sẵn công cụ tính độ nhớt của dầu. Đây là cách nhanh nhất và cũng giúp bạn tính được chính xác nhất.
Ví dụ, với dầu có độ nhớt 44.0mm²/s ở 40⁰C và 6.8mm²/s ở 100⁰C, ta có được chỉ số độ nhớt là 109. Hoặc, dầu nhớt có độ nhớt là 143mm²/s ở 40⁰C và 14.3mm²/s ở 100⁰C có chỉ số độ nhớt là 97.
4. Những lưu ý cần biết về chỉ số độ nhớt của xe ô tô
Mỗi xe sẽ yêu cầu các loại dầu có chỉ số nhất định. Thông thường bạn nên chọn các loại dầu có chỉ số độ nhớt lớn để giúp cho bộ máy động cơ xe hoạt động tốt hơn. Còn về một số chỉ số dầu nhớt khác, trên nắp của lỗ đổ dầu của một số loại xe cũng đã liệt kê cụ thể các yêu cầu về thông số này. Nắp yêu cầu dầu gì thì bạn nên đổ loại dầu đó, tránh tình trạng sử dụng dầu động cơ xăng cho dầu động cơ diesel. Việc nhầm lẫn sẽ làm khiến cho động cơ vận hành không tốt.
Ngoài việc chứa thành phần chính là các loại dầu tổng hợp, dầu khoáng và dầu bán tổng hợp ra, dầu nhớt cho ô tô còn chứa thêm một số thành phần như chất chống mài mòn, chất chống oxy hóa, chất tẩy rửa, … Do đó, các chỉ số như chỉ số API chưa chắc sẽ quyết định độ bền của động cơ. Vẫn có một số loại dầu của một số nhà sản xuất có chỉ số API SL nhưng đem lại hiệu quả tốt hơn nhiều so với các loại dầu SN của một số nhà sản xuất khác. Điều này có nghĩa là bạn cần phải lựa chọn các loại dầu nhớt từ các nhà sản xuất uy tín và để ý đến một số chất khác trong thành phần nếu như bạn có quan tâm một chút đến động cơ xe của bạn.
Kết luận
Động cơ xe chính là bộ phận quan trọng nhất trong chiếc xế yêu của chúng ta và dầu nhớt chính là chìa khóa giúp cho động cơ vận hành tốt. Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn chỉ số độ nhớt là gì và một số loại chỉ số dầu nhớt thường gặp. Hy vọng bạn sẽ chọn đúng loại dầu nhớt mình cần để xe của bạn luôn hoạt động thật tốt trên mọi nẻo đường.